Tay vợt Nguyễn Tiến Minh: Biểu tượng của cầu lôngViệt Nam

VHO- Với việc thi đấu tại Giải cầu lông vô địch thế giới 2022 mới đây tại Tokyo (Nhật Bản), Nguyễn Tiến Minh đã đi vào lịch sử cầu lông thế giới khi trở thành tay vợt tham dự giải vô địch thế giới nhiều nhất với 13 lần, vượt qua huyền thoại cầu lông thế giới người Trung Quốc Lin Dan (12 lần).

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh: Biểu tượng của cầu lôngViệt Nam - Anh 1

Trong sự nghiệp của mình, Tiến Minh đã giành rất nhiều danh hiệu và thứ hạng cao quý mà có lẽ rất lâu sau này mới có một tay vợt Việt Nam đạt được. Tay vợt sinh năm 1983 chính là biểu tượng và là niềm tự hào của cầu lông nước nhà, một tấm gương sáng không chỉ cho các tay vợt cầu lông mà còn cho tất cả các VĐV trẻ noi theo.

“Người không phổi”

Ở tuổi 39, cái tuổi mà có rất nhiều VĐV của thể thao Việt Nam đã giải nghệ để có thời gian cho gia đình hoặc chuyển sang công tác huấn luyện, nhưng với Tiến Minh, anh vẫn chưa muốn dừng lại, vẫn miệt mài với đam mê của mình. Tay vợt người TP.HCM dường như chưa cho thấy dấu hiệu của tuổi tác, anh vẫn không có đối thủ ở các giải trong nước và là niềm kỳ vọng hàng đầu của cầu lông Việt Nam tại các giải quốc tế.

Từng lọt vào top 5 thế giới, giành HCĐ giải VĐTG, châu Á, SEA Games, 5 lần vô địch Vietnam Open (giải cầu lông quốc tế lớn nhất tại Việt Nam), 11 lần liên tiếp vô địch đơn nam giải toàn quốc cùng rất nhiều danh hiệu khác, Tiến Minh thực sự là biểu tượng và niềm tự hào của cầu lông Việt Nam trong gần 2 thập kỷ qua. Với một VĐV chuyên nghiệp, việc tham dự giải vô địch thế giới đã khó nhưng Tiến Minh đã làm được điều đó tới 13 lần, nhiều nhất trong lịch sử cầu lông thế giới. Ngoài giải đấu năm nay, Tiến Minh đã dự giải cầu lông thế giới vào các năm 2005, 2006, 2007, 2009, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015, 2018, 2019 và 2021, anh chỉ vắng mặt ở giải đấu này vào năm 2017 do trùng lịch SEA Games 29. Điều này cho thấy Tiến Minh bền bỉ đến cỡ nào. Nếu không có đam mê, sự nỗ lực trong tập luyện và hơn hết là khao khát được thi đấu, Tiến Minh sẽ không làm được điều đó.

Ở tuổi 39, Tiến Minh dường như “hồi xuân”. Trước các đối thủ dù nhỏ hơn mình đến hơn chục tuổi, “Minh Ca” luôn thi đấu với quyết tâm cao nhất, dám chơi tấn công và di chuyển không biết mệt mỏi. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là tại bán kết đơn SEA Games 31. Trước Loh Kean Yew (Singapore) - nhà đương kim vô địch thế giới, có thể hình, thể lực vượt trội và kém 15 tuổi, Tiến Minh đã chơi một trận rất hay và chỉ chịu thua sát nút ở thời điển cuối set 3. Tiến Minh đã khiến nhà tân vô địch thế giới phải khổ sở và toát mồ hôi mới giành chiến thắng sau gần 2 giờ thi đấu. Sau khi thua trận, Tiến Minh nói rằng đây có lẽ là trận đấu mà anh đã cố gắng nhất trong sự nghiệp.

Trước đó 1 năm, Tiến Minh cũng đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi trở thành VĐV tham dự nhiều kỳ Olympic nhất với 4 lần. Tiến Minh cũng nằm trong số ít các VĐV trên thế giới vinh dự được 4 lần góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh (Olympic). Trước những cố gắng, bền bỉ kinh ngạc của tay vợt sinh năm 1983, Liên đoàn Cầu lông thế giới (WBF) khi đó đã dành những lời khen đến anh: “Vẫn vô cùng bền bỉ ở tuổi 38. Tiến Minh vẫn không cho thấy dấu hiệu của tuổi tác mặc dù là vận động viên nhiều tuổi nhất ở bộ môn cầu lông tại Olympic năm nay. Anh xuất hiện lần đầu tại kỳ Thế vận hội vào năm 2008, khi đương kim số 1 thế giới là Kento Momota mới chỉ 13 tuổi. Một sự bền bỉ tuyệt vời!”.

Tấm gương sáng cho các VĐV trẻ

Thể thao Việt Nam có nhiều VĐV thành danh nhờ vượt lên từ gian khó, nhưng Tiến Minh lại là câu chuyện khác. Anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện khá giả, 10 tuổi đã tiếp xúc với cầu lông. Nhờ hậu thuẫn từ gia đình, Tiến Minh có điều kiện ra nước ngoài thi đấu cọ xát, tích luỹ, phát triển chuyên môn và đạt được những thành công. Thế nhưng đó chỉ là một phần, điều quan trọng nhất ở Tiến Minh mà hiếm có tay vợt nào có được đó là đam mê, sự nỗ lực, bền bỉ, khát khao chinh phục và không bao giờ tự mãn. Tiến Minh không phải là tay vợt có thể hình lý tưởng, thể lực cũng không phải dạng tốt nhưng bù lại anh di chuyển nhanh nhẹn, phản xạ tốt. Tiến Minh không có những cú đập cầu uy lực, bỏ nhỏ cũng không phải quá hay, điều cầu chưa đến tầm xuất sắc, phòng thủ cũng không thuộc dạng hay nhưng bù lại ở tay vợt này có sự đồng đều. Ở Tiến Minh có sự quyết tâm rất lớn, anh ra sân luôn thi đấu hơn 100% sức lực, luôn khát khao chiến thắng dù bên kia lưới có là ai đi chăng nữa.

“Ở Tiến Minh có một điểm rất khác mà bất cứ tay vợt nào của Việt Nam không có được đó là đam mê và sự nỗ lực trong tập luyện thi đấu. Tiến Minh giành rất nhiều thời gian cho việc tập luyện, đặc biệt là trong lúc chuẩn bị thi đấu giải. Ở Tiến Minh còn sự chuyên nghiệp có một không hai, cậu ấy không có thể hình tốt nên rất coi trọng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Do vậy, dù đã lớn tuổi nhưng Tiến Minh vẫn còn có thể thi đấu đỉnh cao”, ông Đặng Anh Đăng, Trưởng bộ môn cầu lông Sở VHTT TP.HCM, đơn vị chủ quản của Tiến Minh nhận xét về tay vợt này.

Tiến Minh tâm sự rằng bản thân rất muốn thi đấu thêm một thời gian nữa. Trước đây, tay vợt này cũng đã tính đến chuyện giải nghệ để chuyển sang công tác huấn luyện nhưng rồi còn đam mê, còn khát khao cống hiến nên anh chưa thể dừng lại. “Đối với tôi, cầu lông là một phần của cuộc sống. Còn cầm được vợt ra sân ngày nào thì thật hạnh phúc ngày đó. Tôi còn có thể chơi cầu lông đỉnh cao, có cơ hội tranh tài với những VĐV top đầu thế giới đó là điều hạnh phúc. Ở độ tuổi lúc này, gặp đối thủ nào cũng không còn quan trọng. Điều quan trọng là làm thế nào để luôn khoẻ mạnh, đánh hết khả năng và tận dụng được kinh nghiệm”, Tiến Minh chia sẻ. 

 PHẠM MAI

Ý kiến bạn đọc